Quần đảo Trường Sa cho tới nay không phải là những đảo có dân cư trú, ngoại trừ những đơn vị quân đội của năm quốc gia đang chiếm đóng, gồm Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai, Đài Loan và Trung Quốc. Thêm Brunei cũng lên tiếng tham dự vào cuộc tranh chấp.
Trong số hàng trăm đơn vị đảo, đá, cồn và bãi với tổng số diện tích không quá mười cây số vuông (10km2) với nhiều đơn vị không có tên, tính đến nay:
Việt Nam hiện chiếm giữ cả thảy 13 cao địa, 22 đơn vị có tên và một số không tên. Đảo Trường Sa (Spratly) là nơi có bộ chỉ huy Việt Nam trú đóng.
Phi Luật Tân hiện chiếm cả thảy 10 cao địa, 18 đơn vị có tên và một số không tên. Không kể đá Vành Khăn (Mischief Reef) trên thực tế đã bị Trung Quốc chiếm.
Trung Quốc hiện chiếm 2 cao địa và 9 đá chìm và bãi ngầm có tên. Đá Chữ Thập (Fierry Cross Reef, chiếm của Việt Nam năm 1988) là nơi đặt bộ chỉ huy quần đảo Trường Sa của Trung Quốc.
Mã Lai hiện chiếm giữ 2 cao địa và 4 đơn vị có tên.
Đài Loan chiếm 1 cao địa: đảo Ba Bình (Itu Aba) cũng là đảo lớn nhất tại Trường Sa (xem sơ đồ 1 / Heinemann 95, chỉ ghi những địa danh chính).
Cách làm của Phi Luật Tân
Tháng 11/98 vừa qua, ngoại trưởng Phi Domingo Siazon đã nói trước quốc hội Phi rằng các công trình xây cất quy mô mới đây của Trung Quốc là kế hoạch quốc phòng thế kỷ 21 của Bắc Kinh nhằm bành trướng ra ngoài Đông Á và bao trùm cả Thái Bình Dương.
Trước những diễn tiến dồn dập trên đá Vành Khăn, hoàn toàn bất lợi cho Phi, Siazon chỉ còn biết than thở:
“Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc rút khỏi đá Vành Khăn, họ nói không. Chúng tôi yêu cầu cuộc tranh chấp được giải quyết qua một hội nghị quốc tế, họ cũng nói không. Chúng tôi đề nghị một chương trình hợp tác phát triển thì họ bảo để coi!”
Ông Siazon tiếp: “Chúng tôi thì không có khả năng tới vùng biển ấy, hải quân Phi chỉ gồm có mươi chiếc tàu tuần (patrol boats) và đã được lệnh phải tránh xa để không gây sự biến nào”. Trung Quốc đã đưa lời cảnh cáo là tàu bè Phi không được tới gần hơn 5 hải lý và máy bay tuần thám Phi cũng không được bay thấp hơn 1500m.
Do có hiệp ước liên minh quân sự với Washington, bộ trưởng quốc phòng Phi Mercado đã kêu gọi Mỹ can thiệp, nhưng chánh phủ Clinton lạnh lùng trả lời là hiệp ước không áp dụng cho các vùng lãnh hải đó.
Chẳng còn một chọn lựa nào khác, Phi chỉ còn biết tuân thủ những đòi hỏi vô lối của Bắc Kinh. Cho dù đang giữa cuộc tranh chấp nhưng trên thực tế đá Vành Khăn đã tuột khỏi quyền kiểm soát của Manila.
http://www.bbc.co.uk/f/t.gif
Một hình chụp Trường Sa


Và trong chuyến du hành cuối năm 98 vừa qua, tư lệnh lực lượng Mỹ vùng Thái Bình Dương, đô đốc Joseph Prueher cũng chỉ phát biểu một cách chung chung là “Hoa Kỳ sẽ theo dõi sát diễn tiến trên đá Vành Khăn”. Bề ngoài thì như vậy nhưng bên trong không thể không có mối âu lo, phản ánh bằng câu nói của viên sĩ quan hải quân Mỹ với phóng viên tờ National Geographic: “Tôi chỉ mong sao họ không tìm ra dầu ở Trường Sa”.
Dầu khí thì chắc chắn là có ngoài Biển Đông và điển hình là đang có ba bãi dầu được khai thác: bãi Tứ Chính (Vanguard) của Việt Nam, bãi Cỏ Rong (Reed Bank) của Phi và bãi Natuna của Nam Dương.
Ý thức được sự quá yếu kém về quân sự, Phi bền bỉ trong các cuộc vận động ngoại giao, đòi đưa vấn đề ra trước đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và cả vận động giới lập pháp Mỹ quan tâm nhiều hơn tới cuộc tranh chấp Trường Sa.
Ít ra cũng đã có một nghị sĩ cộng hòa, Dana Rohrabacher (Huntington Beach, California), thuộc Ủy ban Liên lạc Quốc tế Hạ viện Mỹ lên tiếng. Ngày 10 tháng 12 1998 ông được đưa lên một chiếc phi cơ quân sự C 130 của Phi bay sáu vòng trên không phận đá Vành Khăn, chụp hình được các công trình xây cất và cả các chiến hạm của hải quân Trung Quốc và ông tuyên bố:
“Trung Quốc đang xây cất những công sự, tôi còn thấy được ánh chớp của những đèn hàn... Những điều chúng tôi thấy được vừa có tính cách báo động vừa bi thảm. Trung Quốc đã đưa các chiến hạm từ ngàn dặm xa xôi đi cướp đất của một nước láng giềng”. Ông tiếp: “Chúng ta không thể làm ngơ hành động côn đồ của Trung cộng trong quần đảo Trường Sa. Sự hiện diện quân sự của Trung Quốc không chỉ là mối quan tâm của Phi Luật Tân, đó cũng là mối quan tâm của Hoa Kỳ và các nước dân chủ trên thế giới”.
Ông cũng lên án chánh quyền Clinton đã coi nhẹ biến cố Vành Khăn. Bằng một ngôn ngữ ngoại giao, ông hứa là sẽ vận động quốc hội Mỹ hỗ trợ gia tăng tiềm lực hải quân Phi... “Tôi đã biếu tổng thống Estrada một chai rượu Tequilla bự. Tôi hy vọng tiếp theo đó sẽ là một tuần dương hạm”.
Dana Rohrabacher tuy không phải là một tiếng nói thế lực trong giới lập pháp Mỹ, nhưng có còn hơn không và đó cũng là một dấu hiệu an ủi cho Phi.
Dấu hiệu chuyển động
Giữa cuộc tranh chấp chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa Trường Sa đang diễn ra trên Biển Đông, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước có nguy cơ đối đầu nhất. Sau khi mất toàn quần đảo Hoàng Sa và một số đảo Trường Sa, ngoài những cuộc đấu khẩu ngoại giao, phía Việt Nam đã có những bước ứng xử nào:
Theo tin của Thông tấn Kyodo 19-09-98, Việt Nam mới đây đã hoàn tất việc xây dựng và trùng tu nhiều cơ sở “dân sự” trên đá san hô Tây (West Reef) trong quần đảo Trường Sa... có cả sân bay trực thăng với tổn phí lên tới 4 triệu đôla, là những công trình xây dựng có tính cách lâu dài.
Tài liệu Combat Fleets of the World 98-99, Naval Institute Press, ghi nhận một số chiến hạm của hải quân Việt Nam đã được đổi tên thành Biển Đông hay Trường Sa (BD 621, 622, 105, TS 01) trong đặc nhiệm bảo vệ Trường Sa.
Tờ Orange County Register 13-12-98, trong phần châu Á Thái Bình Dương loan tin: có hai con đường của thành phố Sài Gòn được đặt tên là Hoàng Sa và Trường Sa.
Theo báo Tuổi Trẻ trong nước 06-02-99, chánh phủ Việt Nam đang ráo riết buộc toàn thể cán bộ học tập nâng cao kiến thức sử học về chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường cùng tổ chức hội nghị khoa học về lịch sử chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa Trường Sa. Nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử, địa lý địa danh, đặc điểm khí hậu và các nguồn tài nguyên thiên nhiên của các đảo và vùng biển liên hệ đã được công bố... Thành phần tham dự hội nghị gồm các nhà khoa học thuộc nhiều lãnh vực từ các đại học và các viện nghiên cứu, đại diện các bộ Ngoại giao, Quốc phòng, Ủy ban Biên giới, các ban Trung ương Đảng, Văn phòng Chánh phủ...
Trên tấm bản đồ Việt Nam và Biển Đông (chứ không phải Nam Hải - South China Sea) với các địa danh thuần Việt của Tổng cục Địa chính xuất bản năm 1997 có ghi những chi tiết: (1) Quần đảo Hoàng Sa (hiện bị Trung Quốc chiếm đóng) là thuộc thành phố Đà Nẵng Quảng Nam, cách Đà Nẵng 390km, (2) Quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa Nha Trang (nguyên thuộc tỉnh Phước Tuy thời Việt Nam Cộng hòa), cách Sài Gòn 670km.
http://www.bbc.co.uk/f/t.gif
Tàu Nhật Tảo của Việt Nam Cộng Hòa bị Trung Quốc bắn chìm năm 1974 khi đánh chiếm Hoàng Sa


Trên các tờ báo tiếng Việt xuất bản ở hải ngoại cũng thường xuyên có các tin và bài bình luận liên quan tới Hoàng Sa Trường Sa và chủ quyền trên Biển Đông.
Mùa hè 98, một cuộc hội thảo chuyên đề về Biển Đông của một số trí thức và chuyên gia Việt Nam hải ngoại được tổ chức ở New York với phần đúc kết sẽ được ấn hành như một tài liệu tham khảo nội bộ.
Trên Internet gần đây xuất hiện một website mang tên “Paracels Forum”, thiết trí như một diễn đàn chung cho những ai quan tâm tới vấn đề Hoàng Sa Trường Sa, địa chỉ: http://members.tripod.com/~Paracels/.
Tờ Đi Tới ở Montréal Canada thực hiện một số báo chuyên đề (tiếp sau Tập san Sử Địa, đặc khảo về Hoàng Sa Trường Sa 1975) cập nhật hóa các vấn đề liên quan tới Biển Đông với hai quần đảo Hoàng Sa Trường Sa trong bối cảnh mối bang giao lịch sử giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc.
Vành Khăn là con bài Domino
Vào những thập niên 50-60, giữa cuộc chiến tranh lạnh, người Mỹ rất tin vào thuyết Domino về mối liên hệ của toàn vùng được hình dung bằng một hàng những con bài Domino đứng cạnh nhau, nếu con bài đầu tiên bị đổ thì sẽ đè lên con bài thứ hai và theo phản ứng dây chuyền cứ thế cả chuỗi bị sụp đổ.
Cuộc chiến tranh Việt Nam với bao nhiêu xương máu và tốn kém là một điển hình của thuyết Domino ấy.
Sau giai đoạn sụp đổ của khối Liên Xô, thập niên 90 được coi là thời kỳ “sau chiến tranh lạnh” đối với thế giới. Nhưng tại châu Á lại đang manh nha một cuộc “chiến tranh nóng” do sự bành trướng rất hung hãn của Trung Quốc.
Sau khi đã chiếm trọn Hoàng Sa và một số đảo của Trường Sa, mặc nhiên Trung Quốc đặt Việt Nam và các nước Đông Nam Á “trước một sự đã rồi”. Nhưng với tình hình hiện nay Trung Quốc có nuốt trọn được quần đảo Trường Sa hay không thì đá Vành Khăn là biểu tượng của con bài Domino đầu tiên ấy.
Do đó Vành Khăn không chỉ là mục tiêu tranh chấp giữa Phi Luật Tân và Trung Quốc mà phải coi đó là thách đố đối với toàn thể các quốc gia Đông Nam Á. Bước tới, nếu Trung Quốc dứt khoát chiếm được đá Vành Khăn thì tất cả những đơn vị còn lại trong một chuỗi những đảo, đá, cồn và bãi của Trường Sa có tên hoặc không tên sẽ lần lượt rơi vào tay Trung Quốc, dĩ nhiên với tất cả hậu quả và hệ lụy của nó.
Lý lẽ của kẻ mạnh
Hơn 60 năm trước, vấn đề Hoàng Sa Trường Sa đã được báo chí Việt Nam dự báo và nhắc tới rất sớm: báo Nam Phong của Phạm Quỳnh (Hà Nội, NP 172, 05-1932) đã viết: “Vấn đề cương giới Hoàng Sa Trường Sa sẽ được giải quyết bằng gươm súng”.
Sáu năm sau trên báo Ngày Nay (Hà Nội 24-07-1938) của nhóm Tự lực Văn đoàn, Hoàng Đạo lúc đó mới ở cái tuổi ngoài 30 đã viết trong mục “Người và Việc” như sau: “Lấy lý lẽ mới cũ ra mà nói thì Hoàng Sa Trường Sa là của An Nam. Nhưng ở trường quốc tế người ta không ai theo luật mới cũ cả. Nó chỉ là của sức mạnh”.
http://www.bbc.co.uk/f/t.gif
http://www.bbc.co.uk/worldservice/images/furniture/800_left_quote.gif Lấy lý lẽ mới cũ ra mà nói thì Hoàng Sa Trường Sa là của An Nam. Nhưng ở trường quốc tế người ta không ai theo luật mới cũ cả. Nó chỉ là của sức mạnh
http://www.bbc.co.uk/worldservice/images/furniture/800_right_quote.gif
Hoàng Đạo viết năm 1938
Những dòng chữ ấy cho đến nay hoàn toàn đúng đối với Trung Quốc với lẽ của kẻ mạnh.
Sức mạnh thượng phong về hải, lục và không quân của Hoa lục là không thể phủ nhận. Nếu vạn bất đắc dĩ xảy ra một cuộc chiến tranh vùng trên Biển Đông, bất cứ cuộc đụng độ quân sự nào, thì sự toàn thắng đương nhiên ở về phía Bắc Kinh.
Cuộc khủng hoảng kinh tế vùng mới đây đã làm suy yếu hẳn thế liên minh của các quốc gia Đông Nam Á mà biểu hiện rõ nhất là trong cuộc họp thượng đỉnh ASEAN vừa qua tại Hà Nội, nguyên thủ các nước kể cả Việt Nam và Phi đều né tránh đề cập tới vấn đề gai góc này, nại lý do “còn nhiều vấn đề lớn hơn cần giải quyết, đặc biệt là lãnh vực kinh tế”.
Trước con mãnh hổ Trung Quốc, những con đà điểu Đông Nam Á thấy hiểm nguy chỉ biết có rúc đầu xuống cát.
Ai cũng biết các đảo cho dù nhỏ hẹp tới đâu, nhưng khi thuộc về một quốc gia nào, người ta sẽ viện dẫn theo Luật biển về vùng kinh tế đặc quyền 200 hải lý để đòi hưởng trọn các nguồn tài nguyên về hải sản và các mỏ dầu khí trong đó, chưa kể tới giá trị chiến lược của các căn cứ quân sự ấy.
Cho dù đang là một nước xuất cảng dầu nhưng Trung Quốc sẽ phải nhập cảng dầu vào đầu thế kỷ tới nếu không tìm ra được các mỏ dầu mới mà Biển Đông với Hoàng Sa Trường Sa có hy vọng là lời giải đáp.
Giả thiết nếu quần đảo Trường Sa hoàn toàn rơi vào tay Trung Quốc, điều này có nghĩa là Trung Quốc còn chiếm hữu luôn một phần mỏ dầu rất phong phú của Nam Dương quanh đảo Natuna - nơi đã có ký kết một hợp đồng lên tới 30 tỉ đôla giữa Công ty Dầu khí Mỹ Exxon và Djakarta. Hiển nhiên đây là một đụng chạm trực tiếp tới quyền lợi thiết thân của tư bản Mỹ và chắc chắn không dễ dàng gì Mỹ để rơi vào tay Trung Quốc.
Và Biển Đông không thể không dậy sóng nếu không đạt được một hợp tác phát triển và phân chia tài nguyên giữa các quốc gia lớn nhỏ trong vùng trên phương diện khai thác dầu khí, đánh cá và hải hành.
Trước âm mưu chia để trị, Trung Quốc sẽ áp đặt những điều kiện thật khắt khe trong các cuộc thương thảo song phương như giữa Bắc Kinh và Hà Nội hay Bắc Kinh và Manila...
Trung Quốc sẽ dễ dàng bẻ gẫy từng chiếc đũa nhưng với cả bó đũa thì không. Cọp dữ Hoa lục sẽ không dám xông vào giữa bày trâu hợp quần, nhưng sẽ giương móng vuốt chụp lấy từng con đứng riêng lẻ và cũng sẽ chẳng tha cả con trâu khỏe đầu đàn.
Chỉ có một đường sống duy nhất cho các nước Đông Nam Á là đoàn kết trong bình đẳng và tin cậy để có hành động phối hợp tạo thành một thế trận chung về chánh trị ngoại giao, kinh tế và quân sự, đủ sức đương đầu với con mãnh hổ Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu Ngô Thế Vinh là tác giả của các công trình về sông Me Kong và Biển Đông. Bài viết là phần lược lại từ nguyên bản dài hơn trên trang Talawas, thể hiện quan điểm riêng của tác giả

2 nhận xét Blogger 2 Facebook

  1. With havin so much content and articles do you ever run into any problems of plagorism or copyright violation?
    My website has a lot of exclusive content I've either written myself or outsourced but it looks like a lot of it is popping it up all over the web without my agreement. Do you know any methods to help stop content from being stolen? I'd definitely appreciate it.


    Feel free to visit my homepage; truong sa

    Trả lờiXóa
  2. I have been browsing online more than 4 hours today, yet I never
    found any interesting article like yours. It is pretty worth enough for
    me. In my opinion, if all site owners and bloggers made good content as you
    did, the net will be a lot more useful than ever before.


    My homepage ... hoàng sa

    Trả lờiXóa

Ý kiến của bạn:

 
Bùi Quốc Thiện © 2013. All Rights Reserved. Powered by Blogger
Top