"Trích"
(ĐCSVN) - Văn hóa là mục tiêu của sự phát triển bởi lẽ, văn hóa do con người sáng tạo ra, chi phối toàn bộ hoạt động của con người, là hoạt động sản xuất nhằm cung cấp năng lượng tinh thần cho con người, làm cho con người ngày càng hoàn thiện.
Vậy văn hóa là gì? Hiện nay vẫn đang còn có nhiều định nghĩa về văn hóa, bởi lẽ văn hóa là sản phẩm do lao động của con người tạo ra mà hoạt động lao động của con người rất đa dạng, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Từ đó đi đến việc tạo ra những quan niệm cụ thể khác nhau: văn hóa du lịch; văn hóa kinh doanh, văn hóa ẩm thực … Ở đây trong bài viết này trình bày khái niệm văn hóa theo nghĩa rộng được nhiều nhà nghiên cứu tán thành. Đó là: Văn hóa là hệ thống giá trị vật chất và tinh thần do lao động của người sáng tạo ra, được cộng đồng khẳng định tích lũy lại, tạo ra bản sắc riêng của từng tộc người, từng xã hội. Trong Nghị quyết Trung ương 5 ( Khóa VIII), Đảng ta khẳng định: Văn hóa Việt Nam là tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần do cộng đồng các dân tộc Việt Nam sáng tạo ra trong quá trình dựng nước và giữ nước…, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc.
Trong nền kinh tế thị trường, một mặt văn hóa dựa vào chuẩn mực của nó là chân, thiện, mỹ (cái đúng, cái tốt, cái đẹp) để hướng dẫn và thúc đẩy người lao động không ngừng phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao tay nghề, sản xuất hàng hóa với số lượng ngày càng nhiều với chất lượng ngày càng cao, đáp ứng nhu cầu không ngừng tăng lên của xã hội; mặt khác, văn hóa sử dụng sức mạnh của các giá trị truyền thống, của đạo lý, dân tộc để hạn chế xu hướng sùng bái hàng hóa, sùng bái tiền tệ, nghĩa là hạn chế xu hướng tiêu cực của hàng hóa và đồng tiền “xuất hiện với tính cách là lực lượng có khả năng xuyên tạc bản chất con người, cũng như những mối liên hệ khác”. Hạn chế những tiêu cực này chỉ có thể là văn hóa và chủ yếu bằng văn hóa.
Toàn cầu hóa kinh tế quốc tế là một xu thế, đòi hỏi chúng ta phải chủ động và tích cực hội nhâp. Đây là cơ hội để chúng ta phát triển nhanh có hiệu quả, nhưng cũng là thách thức rất lớn với nước ta trên nhiều mặt, trong đó có cả văn hóa. Sự thâm nhập của văn hóa độc hại, của sự lai căng văn hóa, của lối sống thực dụng và những tiêu cực khác của kinh tế thị trường…, đã và đang ảnh hưởng, làm băng hoại những giá trị văn hóa truyền thống, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của đất nước…
Cần phải hiểu rằng về mặt kinh tế, việc thực hiện chính sách hội nhập để tăng cường liên kết, liên doanh với nước ngoài là rất cần thiết. Song, mọi yếu tố ngoại sinh như vốn, kỹ thuật, công nghệ, kinh nghiệm quản lý và thị trường của nước ngoài chỉ có thể biến thành động lực bên trong của sự phát triển, nếu chúng được vận dụng phù hợp và trở thành các yếu tố nội sinh của con người Việt Nam với truyền thống văn hóa, đạo đức, tâm hồn, lối sống của dân tộc Việt Nam. Trên cơ sở kiến thức khoa học, kinh nghiệm và sự tỉnh táo, khôn ngoan, chúng ta cần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình hội nhập, phát triển. Bởi lẽ, nền văn hóa dân tộc sẽ đóng vai trò định hướng và điều tiết để hội nhập và phát triển bền vững, hội nhập để phát triển nhưng vẫn giữ vững được độc lập, tự chủ. Hợp tác kinh tế với nước ngoài mà không bị người ta lợi dụng, biến mình thành kẻ đi vay nặng lãi, thành nơi cung cấp nguyên liệu và nhân công giá rẻ, thành nơi tiêu thụ hàng hóa ế thừa và tiếp nhận chuyển giao những công nghệ lạc hậu, tiếp nhận lối sống không lành mạnh với những ảnh hưởng văn hóa độc hại…
Vì sự phát triển bền vững, văn hóa phê phán lối sống thực dụng, chụp giật, chạy theo ham muốn quá mức của “xã hội tiêu thụ”, dẫn đến chỗ làm cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường sinh thái. Như vậy, văn hóa đã góp phần quan trọng vào vấn đề bảo vệ môi trường và sự phát triển bền vững...
Văn hóa truyền thống Việt Nam hướng dẫn và cổ vũ một lối sống hòa hợp, hài hòa với thiên nhiên. Nó đưa ra mô hình ứng xử có văn hóa của con người đối với thiên nhiên, vì sự phát triển bền vững của thế hệ hiện nay và các thế hệ con cháu mai sau.
Phát triển tách khỏi cội nguồn dân tộc thì nhất định sẽ lâm vào nguy cơ tha hóa. Thực hiện kinh tế thị trường định hướng XHCN, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mà xa rời những giá trị văn hóa truyền thống sẽ làm mất đi bản sắc dân tộc, đánh mất bản thân mình, trở thành cái bóng mờ của người khác, của dân tộc khác.
Nhận thức sâu sắc giá trị của văn hóa trong quá trình phát triển, Đảng ta xác định tiến hành đồng bộ và gắn kết chặt chẽ ba lĩnh vực: Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt cùng với việc xây dựng văn hóa, nền tảng tinh thần của xã hội nhằm tạo nên sự phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững của đất nước. Trong đó, nội dung xây dựng văn hóa được xác định: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, một định hướng quan trọng để đất nước phát triển bền vững .
TS. Vũ Ngọc Am


0 nhận xét Blogger 0 Facebook

 
Bùi Quốc Thiện © 2013. All Rights Reserved. Powered by Blogger
Top