THÁC ĐỨNG

THÁC ĐỨNG
Thác cao chừng 4- 6m, rộng khoảng 10m và ẩn trong màu xanh của rừng cây. Tuy thấp nhưng dòng chảy của nước không hiền hoà mà cuồn cuộn đổ xuống từ trên cao, đập mạnh vào những tảng đá dưới chân thác làm tung lên hàng ngàn bọt nước trắng xoá. Có lẽ thấm mệt sau khi buông rơi từ trên cao, dòng nước “đổi tính” hiền hoà uốn lượn quanh hàng trăm hòn đá lớn nhỏ dọc dòng DakQuotte rợp bóng mát. Không nối tiếp thành hàng, cũng chẳng theo một trật tự nhất định, nhưng những tảng đá trên dòng DakQuotte cũng là chiếc cần đưa du khách qua bờ bên kia, chọn những gốc cây cổ thụ, dựa lưng nghỉ mệt, hàn huyên với bạn bè hay ngắm những cụm phong lan rừng đầy sức sống đong đưa trên những tán cây.
Thác Đứng thuộc địa phận xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng, Bình Phước.

THÁC VOI

 
Thác Voi cao khoảng 15m và rộng khoảng 8m. Vào mùa mưa, nước tuôn từ đỉnh thác tạo thành một màn trắng xoá, nổi bật giữa những cây cổ thụ cao lớn. Nhìn từ xa, trông như như một đám mây vờn sát đất. Bơi thuyền trên hồ, câu cá, ngắm những đàn cò bay về tổ trong bóng chiều nhập nhoạng, trong tiếng nước chảy róc rách là những điểm thu hút du khách của nơi đây.
Ngoài ra, khi đến với thác Voi, đừng quên ghé vào làng của người S’tiêng gần đó, tìm hiểu về phong tục, lối sống hay nghe truyền thuyết về những ngọn đồi quanh thác Voi vốn được truyền tụng là do xương và ngà của hàng ngàn con voi tạo thành. Rồi xuôi vào Trảng cỏ Bàu Lạch, ngắm những triền cỏ bao la, những hồ nước thơm ngát hương sen, nghe vi vu sáo diều.
Thác Voi thuộc Xã Đồng Nai, Bù Đăng, Bình Phước

TRẢNG CỎ BÀU LẠCH
TRẢNG CỎ BÀU LẠCH – VỀ VỚI THIÊN NHIÊN
Trảng cỏ Bàu Lạch nằm ở xã Đồng Nai, tỉnh Bình Phước cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 160km. Trảng cỏ Bàu Lạch theo tiếng MNông có nghĩa là trảng, trong trảng lại có bàu nước nên có tên trảng cỏ Bàu Lạch.
Trảng cỏ Bàu Lạch có diện tích rộng gần 500ha được hợp thành gần 20 trảng cỏ lớn nhỏ khác nhau từ 5ha – 15ha, trảng lớn nhất 140ha nằm giữa một vùng đồi núi xen giữa những cánh rừng bao la với nhiều cây cổ thụ nghiêng soi in trên mặt nước trong vắt, bàu nước với nhiều loại cá nước ngọt được trảng cỏ bao bọc hoặc chạy dọc theo trảng cỏ, những bàu nước có thể là những hố bom còn sót lại sau chiến tranh và luôn có nước quanh năm. Đến với trảng cỏ Bàu Lạch, du khách như đến với một vùng sơn thuỷ hữu tình tạo cho ta cảm giác nhẹ nhàng, thoải mái sau những ngày làm việc căng thẳng. Đi dọc trảng cỏ thỉnh thoảng du khách có thể nghe thấy những thác nước nhỏ với tiếng nước chảy róc rách, tiếng chim rừng ríu rít, líu lo, tiếng vượn hú … nghe vui tai, thư thái tâm hồn, du khách có thể hái những trái bứa, trái sim rừng như những người dân du mục.
Trảng cỏ Bàu Lạch được các phi công Mỹ nhìn từ trên cao lúc đi tuần trong thời chiến tranh với những trảng mấp mô, uốn lượn đã ví những trảng cỏ như “những sân golf của trời”. Theo những già làng ở đây thì cho rằng đây là những tấm thảm xanh của trời trải xuống cho các tiên nữ xuống đùa vui vào những đêm trăng thanh.
Trảng cỏ chủ yếu là cỏ chỉ và cỏ kim nên trảng cỏ mùa nào cũng đẹp, mùa mưa cỏ xanh mướt, mùa hè cỏ chuyển thành màu vàng úa, nhiều loài hoa dại khoe sắc tím, vàng ….mọc xen lẫn như một bức tranh tuyệt vời của tạo hoá. Đến với trảng cỏ du khách có thể cắm trại, chơi thể thao, câu cá….được ăn cơm lam với thịt nướng như heo rừng, gà rừng , uống rượu cần, món đặc sản của người đồng bào nơi đây. Ban đêm có thể đốt lửa nướng khoai, nướng cá đựơc câu từ ao, thật thú vị.
Xung quanh trảng cỏ là các làng của đồng bào dân tộc MNông, XTiêng, và Châu Mạ với những nhà rông, nhà đặc trưng của đồng bào nơi đây. Đến đây, còn gì bằng, khi bạn có thể tự tìm hiểu những phong tục tập quán hay những lễ hội truyền thống của họ. Thỉnh thoảng bạn có thể nhìn thấy những đàn trâu, đàn heo của người đồng bào nơi đây nuôi thả đi thong dong, những đàn chim, đàn cò bay lượn hoặc bắt cá quanh hồ nước.


Đến với trảng cỏ du khách có thể đi tham quan thác voi (thác Nokrop) cách trảng lớn 3km về phía rừng thác có độ cao 15m, rộng khoảng 8m làm tung bọt nước trắng xoá. Tên gọi thác Voi được đồng bào S’Tiêng truyền lại rằng ngày xưa, đây là nơi quần tụ của muôn thú, nhất là những đàn voi rừng, nơi đỉnh thác có một hồ nước rộng, các đàn voi thường kéo về đây để tắm và uống nước trong những ngày hè. Các con voi đầu đàn thường tranh giành lãnh thổ cho đàn voi của mình nên nơi đây  thường diễn ra những trận chiến ngày này qua ngày khác, kẻ chiến thắng được ở lại và kẻ chiến bại phải ra đi. Những con thua trận kiệt sức rơi từ đỉnh thác xuống và chết, người dân bản địa đem xác voi về chôn cất và cúng tế. Ở bên kia thác là những ngọn đồi nhỏ, đồng bào ngày nay cho rằng đó là nơi các ông voi chết ngày một nhiều, lâu dần mối xông, cây mọc và trở thành đồi.
Còn gì thích hơn vào những ngày cuối tuần, du khách hãy cùng với bạn bè tổ chức những chuyến du dịch dã ngoại đến với vùng đất tự nhiên, vẫn còn hoang sơ khi chưa có tác động nhiều của con người. Đến đây, du khách có thêm những trãi nghiệm của cuộc sống trên những con đường uốn lượn, gập gềnh đến với trảng cỏ, được thả hồn với cỏ cây hoa lá, nghe những âm thanh thanh thót của muôn thú. Từ đó, du khách sẽ cảm thấy không mất công để đi đến một vùng đồi núi xa xôi để có được một khoảng không gian được hòa mình với thiên nhiên mà không nơi nào có được.
Phạm Thị Kim Kha
Phòng xúc tiến TMDL


0 nhận xét Blogger 0 Facebook

 
Bùi Quốc Thiện © 2013. All Rights Reserved. Powered by Blogger
Top